Ý kiến thăm dò

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
121306

Hiệu quả đơn nguyên sơ sinh tại huyện Như Thanh

Đăng lúc: 08:40:32 30/11/2015 (GMT+7)

Được triển khai từ năm 2008 do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ tài trợ, đơn nguyên sơ sinh (ĐNSS) tại Bệnh viện Đa khoa Như Thanh đã điều trị thành công nhiều trường hợp bất thường ở trẻ sơ sinh, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em trên địa bàn huyện.

 ĐNSS là một phòng chăm sóc đặc biệt trực thuộc khoa nhi của bệnh viện, được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại như máy trợ thở CPAP, lồng ấp, máy truyền dịch, máy tạo ôxi, máy theo dõi chức năng sống, đèn chiếu vàng da... để điều trị cho những trường hợp sơ sinh bị bệnh lý hoặc trẻ nhẹ cân, non tháng được sinh tại trạm y tế và tại bệnh viện. Do đặc thù của công tác cấp cứu, điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải có chuyên môn sâu nên từ khi ĐNSS được thiết lập, các y, bác sĩ phục vụ ĐNSS cũng được đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc” tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa về kỹ thuật hồi sức cấp cứu, hô hấp sơ sinh, đặt nội khí quản sơ sinh, nuôi dưỡng tĩnh mạch... Tiếp đó, hằng năm các y, bác sĩ tiếp tục được đào tạo mới và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn.

Không chỉ triển khai ĐNSS, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ còn hỗ trợ Như Thanh triển khai mô hình chăm sóc sơ sinh từ tuyến thôn, bản đến tuyến xã, với các giải pháp can thiệp tại cộng đồng, đào tạo tập huấn cho y tế thôn, bản, cán bộ trạm y tế xã những kiến thức cơ bản nhằm phát hiện sớm các bệnh lý sơ sinh; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng, tập trung vào các đối tượng là bà mẹ mang thai, sắp sinh để họ có kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc trẻ trong những tháng đầu đời được tốt hơn.

Đánh giá về sự khác biệt trước và sau khi có ĐNSS, bác sĩ CKII Đoàn Mạnh Huân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Như Thanh, cho biết: Trước đây, công tác chăm sóc trẻ sơ sinh của bệnh viện còn nhiều hạn chế do thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng không đáp ứng được yêu cầu, y, bác sĩ không được đào tạo, tập huấn nên khi có những trường hợp sơ sinh bệnh lý, họ không đủ tự tin để điều trị. Vì thế, hầu hết các trường hợp sơ sinh bệnh lý đều phải chuyển tuyến ngay, trong khi việc chuyển tuyến luôn gây ra những nguy cơ rủi ro về tính mạng. Sau khi triển khai ĐNSS, y, bác sĩ của bệnh viện được đào tạo sâu về chăm sóc sơ sinh kết hợp sử dụng trang thiết y tế được tài trợ nên phần lớn trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, bệnh lý đã được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện, hạn chế số trẻ phải chuyển tuyến và nếu có trường hợp nặng phải chuyển tuyến cũng được bảo đảm an toàn, không để xảy ra tử vong.

Từ khi được triển khai đến nay, bình quân mỗi năm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh đã cấp cứu và điều trị thành công cho khoảng 150 trường hợp trẻ bị bệnh vàng da, viêm phổi, suy hô hấp, ngạt khi đẻ... Trong đó, những trẻ sinh thiếu tháng và chỉ nặng 1.300g cũng được bệnh viện cứu sống. Trường hợp của cháu Đới Thị Gái, xã Phú Nhuận sinh thiếu tháng, nặng 1.900g, sau khi sinh được 3 ngày thì cháu mắc bệnh vàng da, phải nằm lồng ấp để duy trì nhiệt độ, truyền dịch nuôi dưỡng và đặt sonde dạ dày bơm sữa. Được bác sĩ và điều dưỡng viên của ĐNSS chăm sóc tận tình, chu đáo, chỉ sau 7 ngày cháu đã được đưa về với mẹ, hiện sức khỏe của cháu đã ổn định. Hay như trường hợp của cháu Hoàng Quốc Đạt, xã Mậu Lâm, khi sinh ra bị ngạt, sau đó cháu lại bị viêm phổi và vàng da nên phải cho nằm lồng ấp và chiếu đèn trị bệnh, kết hợp dùng kháng sinh chống viêm phổi và đặt sonde dạ dày để nuôi dưỡng. Sau 9 ngày điều trị, cháu bú mẹ tốt, hết bệnh lý. Những trường hợp này nếu trước đây chưa có ĐNSS đều phải chuyển lên tuyến trên, nhưng nhiều năm nay đã được điều trị thành công tại bệnh viện.

Năm 2011, ĐNSS triển khai thí điểm ở 2 huyện Như Thanh và Ngọc Lặc kết thúc nhưng đến nay vẫn duy trì và hoạt động hiệu quả. Tiếp nối những thành công đó, năm 2011 ngành y tế Thanh Hóa thành lập Quỹ chăm sóc sơ sinh tỉnh. Hằng năm, thường trực hội đồng quỹ kêu gọi, vận động các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động ngành y đóng góp quỹ. Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu, hết năm 2015, toàn tỉnh đã thiết lập được 23/27 ĐNSS tại bệnh viện đa khoa các huyện, thị, thành phố, góp phần giảm tử vong sơ sinh, đồng thời tạo cầu nối giữa tuyến cơ sở với tuyến cao hơn trong điều trị liên tục các trường hợp tai biến sơ sinh. Phấn đấu hết năm 2016, ĐNSS sẽ bao phủ 100%  bệnh viện đa khoa tuyến huyện.

Theo baothanhhoa.vn